
Nếu không có những điều này Đà Lạt sẽ “xinh đẹp” hơn rất nhiều
by
dboxvn
Trước chuyến đi Đà Lạt, hành trang dường như đã đầy đủ từ homestay cho tới những địa chỉ tham quan hay ăn uống cần đến,… Thế nhưng, từng đó vẫn chưa đủ nếu như thiếu đi sự “cảnh giác” trước một Đà Lạt phần nào “biến chất” bởi các dịch vụ “ăn theo”.
Ngày đầu tiên: Giật mình vì taxi “làm giá”
Ngày đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Liên Khương, hít bầu không khí trong lành và ngắm nhìn Lâm Đồng núi đồi trùng điệp đã đủ khiến hai người mới đến Lâm Đồng lần đầu như chúng tôi cảm thấy hài lòng vì chọn đây là điểm đến khởi đầu cho năm mới.
Ra đến ngoài sảnh sân bay thì lựa chọn duy nhất của chúng tôi là taxi (vì quãng đường từ sân bay Liên Khương tới trung tâm Thành phố Đà Lạt khoảng 30km, khá xa nên không có dịch vụ chạy xe ôm). Tại đây rất nhiều taxi, xe hãng có và xe dù cũng có, xếp thành hàng dài đón khách. Sau khoảng vài ba phút bị “chèo kéo”, “chào mời”, chúng tôi quyết định lên một chiếc taxi của hãng Taxi L.Đ với giá đã thỏa thuận là 170.000 đồng về đến Nam Hồ (địa chỉ homestay chúng tôi đã đặt trước).
Tuy nhiên, khi về đến trung tâm thành phố Đà Lạt, anh tài xế thông báo: “Bây giờ anh bật đồng hồ từ đây về đến địa chỉ của em nhé.” Giật mình, chúng tôi hỏi lại: “Anh ơi em đã thỏa thuận trước là 200.000 về tận Nam Hồ rồi cơ mà.” – “Không em ạ, 170.000 chỉ là về đến thành phố thôi còn từ thành phố về tới chỗ em thì phải thêm tiền nhé.”, anh biện minh. Đã về tới thành phố rồi nên chúng tôi tặc lưỡi cho qua vì không muốn ngay ngày đầu tiên đến đã gặp rắc rối. Về đến homestay tại 2/23 Nam Hồ, xuống taxi, chúng tôi phải thanh toán thêm 80.000 tiền phí chạy đồng hồ từ trung tâm thành phố đến đây.
“Cho anh xin thêm 50 nghìn tiền trạm thu phí nữa em nhé” – anh tài xế Taxi Lâm Đồng không quên nhắc chúng tôi khi thanh toán tiền. Vậy là phí từ sân bay Liên Khương đến Nam Hồ lên đến 300.000 đồng thay vì 170.000 đồng như đã thỏa thuận từ trước.
Kinh nghiệm: Sau chuyến đi Đà Lạt, chúng tôi tham khảo nhiều nguồn thông tin thì được biết từ sân bay Liên Khương tới Đà Lạt có 3 cách: Thuê taxi, xe bus hoặc xe đưa đón. Với nhóm nhiều người như công ty hoặc gia đình, thuê xe đưa đón là lựa chọn tối ưu vì sẽ làm hợp đồng trước với nhà xe nên mọi chi phí sẽ rõ ràng hơn. Thông tin các nhà xe có thể tham khảo ở rất nhiều nguồn và đã có rất nhiều “review” để du khách tiện đánh giá.
Lựa chọn thứ 2 là di chuyển bằng xe buýt. Chi phí di chuyển bằng xe buýt từ sân bay Liên Khương về trung tâm thành phố Đà Lạt là 40.000-50.000 đồng/vé, thích hợp với những người đi một mình và ít hành lý. Xe buýt sân bay sẽ chạy liên tục trong ngày cho đến khi không còn chuyến bay nào hạ cánh, điểm dừng cuối tại thành phố Đà Lạt là đường Lê Thị Hồng Gấm, ngay chợ Đà Lạt.
Với lựa chọn là taxi, du khách tới đây cần phải rõ ràng mức giá trước khi bước lên xe. Giá từ sân bay Liên Khương tới TP. Đà Lạt và ngược lại sẽ ổn định ở mức 170.000 đồng và không bao gồm bất kỳ chi phí phụ nào khác. (Ngày cuối cùng, chúng tôi đã được chủ homestay liên hệ taxi (vẫn là Taxi L.Đ) với mức giá 170.000 từ Nam Hồ đến Sân bay Liên Khương mà không cần phải “trả hộ” tiền cho tài xế khi qua trạm thu phí.)
Ngày thứ 2: “Đỏ mặt” vì kinh doanh trá hình tại Đồi thông hai mộ
Từ homestay chúng tôi trọ có 4 lối rẽ về bốn phía. Chúng tôi quyết định thuê xe máy ngay tại homestay và “thám hiểm” cả 4 phía ấy. Ngày thứ hai ở Đà Lạt, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên của mình. Chạy xe ngẫu nhiên băng qua thung lũng hoa, chúng tôi bất ngờ đi qua một con đường xanh rì, hai bên đường đồi thông phủ kín. Phía dưới dốc hiện ra một tấm bảng gỗ đề “Đồi thông hai mộ” và đối diện tấm bảng gỗ ấy, bên kia đường là Hồ Than thở.
Dừng xe và đi về phía Đồi thông hai mộ, chúng tôi nhìn thấy một người phụ nữ trung niên đang dọn dẹp hai ngôi mộ nằm dưới chân đồi đề tên “Lê Thị Thảo” và “Vũ Minh Tâm”. Đây cũng chính là tên của hai con người mà tình yêu của họ đã tạo nên câu chuyện tình đầy bi thương, viết nên sự tích của Đồi thông hai mộ và Hồ Than thở. Cảm động trước câu chuyện tình yêu của cô giáo Thảo và người chiến sĩ Minh Tâm, chúng tôi đã ngỏ ý xin thắp hai nén hương cho hai phần mộ của họ.

Con đường vắng tại giữa Đồi thông hai mộ và Hồ Than thở (ảnh: Hải Yến)
Người phụ nữ trung niên trong Đồi thông hai mộ vui vẻ đưa cho chúng tôi hai nén nhang. Thế nhưng, ngay sau đó, cô cũng “vui vẻ” mời chúng tôi “mua ủng hộ” giúp cô mấy bịch trà atiso, trà hà thủ ô các loại…, đã được cô xếp sẵn trong chiếc làn của mình. Mỗi hộp trà loại 20 túi lọc (giá thị trường khoảng 15-16 nghìn đồng) được cô chào hàng 40 nghìn/hộp. Không chỉ thế, cô còn mời mọc chúng tôi mua cho cả dây (4 hộp) để cô… đỡ phải bán nhỏ lẻ từng hộp một.
Cảnh bán hàng diễn ra ngay trên hai phần mộ và có lẽ lâu nay nó đều xảy ra như vậy. Hai vị khách bất đắc dĩ là chúng tôi đành mua “giúp” cô một hộp trà rồi vội vã đi ngay vì cảm thấy thật có lỗi nếu như cứ đứng lại nơi linh thiêng này để kỳ kèo bán mua như vậy.
Kinh nghiệm: Xung quanh khu vực Đồi thông hai mộ khá hoang vắng và không có hàng quán dịch vụ (Chỉ có một dãy cửa hàng trước cổng Khu du lịch Hồ Than thở cung cấp dịch vụ ăn uống cho xe du lịch). Chính vì vậy, nếu du khách đã có kế hoạch tới Đồi thông hai mộ để viếng thăm cô giáo Lê Thị Thảo và chiến sỹ Vũ Minh Tâm thì nên chuẩn bị trước hương hoa. Nếu tới đây với mong muốn biết hơn về mối thiên tình sử bi thương ấy thì chỉ cần một tấm lòng cảm thông là đủ.
Ngày thứ 3: Chóng mặt vì cò mồi – Hốt hoảng trước tin “mứt dâu Trung Quốc” gắn mác “mứt Đà Lạt”
Tới Đà Lạt mà không trải nghiệm “một ngày làm nông dân” thì quả là thiếu sót. “Một ngày làm nông dân” ở đây chính là việc trực tiếp tham quan và hái dâu ngay tại vườn. Ngay ngày đầu tiên đến sân bay Liên Khương, tại sảnh, chúng tôi đã kịp thấy nhiều tờ rơi quảng cáo về dịch vụ này và quyết định phải đến địch mục sở thị các vườn dâu ở đây.
Chạy xe loanh quanh Hồ Xuân Hương, lúc còn đang ngơ ngác tìm đường đến các vườn dâu, chúng tôi đã được ngay một thanh niên trẻ tuổi chạy xe áp sát, chào mời đến trại dâu để tham quan. Người thanh niên này chìa ra một chiếc card ưu đãi “miễn phí” tham quan vườn dâu và liên tục ngỏ ý đưa về tận vườn. Tuy nhiên, có một chút e ngại vì độ nhiệt tình của anh chàng này, chúng tôi quyết định tham khảo thêm vài điểm khác.

Không khó bắt gặp hình ảnh cò mồi vườn dâu tại Đà Lạt (ảnh: Hải Yến)
Tiếp tục tới khu vực Thung lũng Tình Yêu, chúng tôi bất ngờ mới biết rằng xung quanh nơi này tràn ngập các vườn dâu và… cò mồi. Cứ chạy xe một đoạn là chắc chắn sẽ có một vài thanh niên chạy xe máy theo đưa card và nài nỉ dẫn đường. Ở đâu cũng quảng cáo là miễn phí tham quan kèm theo bán sỉ lẻ các loại mứt, nước cốt dâu, trà atiso,…
Mệt mỏi vì cò mồi, chúng tôi quyết định không tới những địa chỉ ghi trên các tấm card này mà tự tìm địa chỉ cho mình. Lần theo một con đường vắng, chúng tôi đi đến khu vực đường Thánh Mẫu (nằm cạnh nhà thờ Thánh Mẫu). Khu vực này ít nhộn nhịp hơn và các vườn dâu cũng rộng rãi hơn so với quanh khu Thung lũng Tình Yêu và Hồ Xuân Hương. Để cho may mắn chỉ đường, chúng tôi đến thăm một vườn dâu ngẫu nhiên nằm trên đường Thánh Mẫu.
Đến được đây cũng là lúc vườn dâu này có phần “sạch sẽ” vì những quả chín đã gần như được các khách thăm quan đến trước hái nhưng đủ vắng vẻ để chúng tôi trò chuyện được nhiều điều với chú Thuyết – chủ vườn dâu này. Nghe chúng tôi kể về câu chuyện bị cò mồi mời chào, chú chia sẻ: “Nhiều vườn dâu họ thuê cò mồi và trả công 30% nếu như dẫn được khách tới thăm đấy cháu. Mà những vườn dâu này thì chủ yếu là bán mứt thôi vì khách đến hái dâu nếu mời chào tích cực kiểu gì họ cũng mua lấy mỗi người vài lọ làm quà ấy.”

Chú Thuyết – chủ vườn dâu đang tỉa lá sâu tại vườn (ảnh: Hải Yến)
Khi chúng tôi thắc mắc rằng tại sao chú không kinh doanh thêm mứt, chú giải thích: “Trước đây gia đình chú cũng có kinh doanh thêm mứt các loại, lãi lắm vì thực ra là toàn mứt nhập của Trung Quốc đấy cháu ạ. Ở đây toàn vậy thôi. Nhưng mà bây giờ chú không bán nữa, đây này, mấy cái giá này hồi xưa là để mứt đấy nhưng giờ chú dẹp rồi, chỉ bán dâu tại vườn thôi.”

Khách hái dâu tại vườn (ảnh: Hải Yến)
Kinh nghiệm: Đến Đà Lạt thăm quan vườn dâu, khách du lịch nên ghé đến khu vực đường Thánh Mẫu vì nơi đây là khu tập trung trồng dâu của Đà Lạt. Giá trung bình là 120.000 đồng/kg dâu tùy loại (phổ biến là các giống dâu đá Mỹ, dâu New Zealand, dâu Đà Lạt mức giá thấp hơn nhưng quả không to và vị có phần chua hơn). Khách du lịch nên chọn các vườn dâu có quy mô lớn và đơn thuần bán dâu thay vì bán thêm các loại mứt, trà, nước cốt,…
Nếu tới Đà Lạt và muốn mua mứt làm quà nên chọn những địa điểm bán mứt có chứng nhận về xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng uy tín.
Hải Yến