
Có một nơi “nóng nhất” Đà Lạt
Nếu ai đó hỏi tôi Đà Lạt ở đâu nóng nhất? Tôi sẽ không do dự trả lời: “chợ đồ cũ”. Mà nóng thật! Cái chợ lụp xụp, xiên vẹo, khuất lửng, co cụm giữa phố giữa phường, nó chẳng ăn nhập gì với cả cái chợ Đà Lạt xinh đẹp hiên ngang của 4 tầng lầu kiến trúc âu châu. Nếu so sánh thì chợ đồ cũ và căn chợ 4 tầng kia giống như tép riu với tôm hùm, chuột nhắt với kangaroo (chuột túi ở Úc). Chợ đồ cũ được dựng nên từ những tấm tôn thép thấp lè tè, khuất sau những cao cao của nhà của phố. Vì vậy, nó trốn mọi cái nhìn toàn diện, đầy đủ của du khách. Lối vào khu chợ đồ cũ này cũng nhỏ xíu với vài ba bậc tam cấp tròn trĩnh 2 người đi.
Chợ đồ cũ, có người gọi theo cách kì thị là chợ đồ si-đa, tôi không thích dùng từ đó, dù rằng nó chuyên bán đồ cũ, đồ xài rồi, đồ si-đa. Cửa hàng ở đây san sát nối liền san sát, đồ đạc được treo lên nhô ra, thụt vào là những nối tiếp liền nhau của các cửa hàng. Không gian cô đặc, đường đi chỉ vừa cho một một người thảnh bước, nếu 2 người thì phải nghiêng mình tránh nhau nên muốn phóng ánh nhìn ra xa thì cũng coi như bất lực, có hẳn 3 đoạn đường hẹp như vậy. Không khí cũng cô đặc, mùi áo quần, mùi giặt tẩy, mùi giầy dép, mùi keo, mùi nhựa, mùi người chen chúc, mùi mua bán, mùi trả giá tất cả được hun đúc dưới lọm khọm mái tôn, tạo nên một mùi vị cũ kỹ, nóng nực – mùi của tất bật gian lao.
Chợ đồ cũ chỉ toàn đồ cũ, nơi đây rất ít dấu chân của du khách đến với Đà Lạt, khách hàng thường xuyên ở đây hầu như là dân bản xứ. Người Đà Lạt đến với khu chợ này để lòng vòng ngắm nghía, hàng hóa không có cái nào giống cái nào, họ đi nếu thấy cái nào hợp với mình thì ước lượng toan tính – mình xài vừa không, đẹp không và giá cả bao nhiêu? Nếu hợp túi tiền, người mua có thể ướm thử, vừa vặn thì tốt, không vừa vặn cũng chẳng sao. Ở đây có vài cửa hàng chuyên sửa chữa tất tật theo yêu cầu của khách. Sửa size, thay khóa, thay chỉ, thay đế dày, đế dép đủ cả.
“Cũ người mới ta”, đó là nguyên tắc mua bán cơ bản của cái chợ xụp xệ này. Còn nguyên tắc hàng đầu? – Rẻ. Những ngày còn nhỏ, mỗi lần đi chợ là mẹ dẫn tôi đi qua khu chợ này rồi mới lên khu chợ lầu khang trang, nơi mẹ sẽ mua cho tôi những bộ đồ, giầy dép thật mới thật tinh tươm. Đường trở lại, mẹ sẽ ngắm nghía những món đồ cũ, lựa chọn, trả giá và hí hứng mang về những món đồ ưng ý, giá cả phải chăng. Có những chiếc áo khoác đã sờn hết chỉ tay nhưng với mẹ, vẫn thật đẹp, thật lộng lẫy – Đà Lạt có những mùa lạnh lắm. Ngoài chúng tôi, ở đó còn nhiều lắm những người Mẹ, người Cha khác, họ cũng cùng chung một niềm vui khi mua những món đồ cũ – niềm vui của những đứa trẻ đến lớp đến trường quần áo tinh tươm, giầy dép, sách vở nồng nàn mùi mới, mùi được bao bọc kỹ càng.
Lâu lâu tôi lại muốn đi vào căn chợ cũ kỹ đó, chỉ để ngửi cái mùi tất bật, nhìn vài ba ánh đèn treo chập choạng, hiu hắt. Mà căn chợ cũ bây giờ không còn nằm đó nữa, nó bị dẹp bỏ để nhường chỗ cho một “son phấn” khác. Những cửa hàng đồ cũ được dời vào trong chợ mới, người ta bây giờ bán đồ cũ lẫn lộn hàng mới, không gian thoáng rộng, sáng sủa hơn nhiều. Không biết giữa lẫn lộn cũ mới, giá cả của những món hàng cũ có bị pha tạp đi ít nhiều ?
Bài Viết : Phong Chiêu
[box type=”shadow” align=”aligncenter” class=”” width=””]
Gửi bài viết chia sẻ cảm xúc về Đà Lạt cho chúng tôi.
Email : blogdalat24h@gmail.com
Facebook : fb.com/dalatphosuongmu
[/box]